Doanh nghiệp tư nhân chiếm đến 98% trong doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVN) của nước ta. Đây cũng là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) phải đáp ứng đủ nhu cầu về vốn cho hoạt động của các doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Thiếu vốn, các doanh nghiệp tư nhân không thể đầu tư công nghệ và mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo thông tin từ NHNN, hiện nay, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 22% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, tăng 6,5% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, có đến 70% doanh nghiệp tư nhân, tương đương với khoảng gần 400.000 doanh nghiệp chưa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng đang là thực trạng đáng buồn đối với sự phát triển kinh tế nước ta.
Các doanh nghiệp đủ điều kiện vẫn có thể vay tiền ngân hàng.(Ảnh minh họa: KT)
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Long Biên - doanh nghiệp chuyên kinh doanh các loại nước mắm và thủy, hải sản cho biết, khi không vay được vốn từ ngân hàng, doanh nghiệp phải tìm đến nguồn vay của người thân, của đối tác với lãi suất cao.
“Ngân hàng nên xem lại tình hình sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp một cách cụ thể và thực tế hơn. Ngân hàng có thể cho vay theo từng hợp đồng sản xuất hay hợp đồng kinh doanh của từng doanh nghiệp, cũng có thể cho họ vay theo từng phần của hợp đồng”, ông Tuấn đề xuất.
Các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cho rằng, hầu hết doanh nghiệp tư nhân có quy nhỏ và vừa rất cần vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, họ không có khả năng thâm nhập vào thị trường chứng khoán để huy động vốn. Khả năng tài chính của các doanh nghiệp này cũng hạn chế, kể cả vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu và tài sản thế chấp.
Bên cạnh đó, các DNNVV còn gặp nhiều rủi ro trong kinh doanh vì phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhất là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo thống kê, có đến 90% doanh nghiệp khởi nghiệp không có lãi trong vòng 3 năm đầu. Do tình hình sức khỏe không tốt, việc sản xuất kinh doanh bấp bênh nên cánh cửa ngân hàng không rộng mở đối với các doanh nghiệp tư nhân.
Một nguyên nhân khác khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân ngại tiếp cận với ngân hàng là do lãi suất hiện nay còn cao. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ không dám mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, chưa có chiến lược đầu tư dài hạn nên sử dụng nguồn vốn tự có để đảm bảo an toàn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, các doanh nghiệp cần mạnh dạn liên kết với nhau. Phải coi đó là điều kiện để anh tự lớn lên, tự khẳng định quyền được vay và độ tin cậy để được vay.
“Hiện nay, chúng ta có 600.000 doanh nghiệp hầu hết là nhỏ và không liên kết nên không đủ sức đáp ứng yêu cầu cho vay. Thậm chí, không đủ tầm để đầu tư dài hạn, vì vậy càng ngày càng tự làm yếu mình đi. Trong khi đó, ngân hàng là đơn vị cho vay, họ đòi hỏi những điều kiện rất cao”, ông Phong chỉ rõ.
Vừa qua, NHNN đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn về vấn đề này như quy định lãi suất trần cho vay đối với các DNNVV; yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới; xem xét miễn giảm lãi suất cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân và Ngân hàng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Để vay được vốn ngân hàng, các doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh hiệu quả, có báo cáo tài chính ổn định và minh bạch. Đây là điểm còn thiếu của các DNNVV. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có 2 loại sổ sách, một loại để báo cáo tài chính với cơ quan thuế, còn một sổ sách để kiểm soát nội bộ. 2 loại sổ sách này có sự chênh lệch với nhau nên không thuyết phục được ngân hàng.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn giao dịch bằng tiền mặt mà không thông qua ngân hàng nên không chứng minh được khả năng tài chính của mình.
Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, ngành ngân hàng đã và đang phối hợp với chính quyền các địa phương để triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.
“Thông qua chương trình này, tăng trưởng tín dụng sẽ rất tốt. Tôi cho rằng, bên cạnh nỗ lực của Ngân hàng thì các doanh nghiệp cũng phải tự nỗ lực. Cần phải nâng cao khả năng tài chính, bên cạnh đó phải minh bạch thông tin thì các tổ chức tín dụng mới xem xét và quyết định mức cho vay”, ông Tần lưu ý.
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam, để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các Ngân hàng thương mại cũng cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần hơn với các doanh nghiệp tư nhân.
“Các ngân hàng thương mại hiện nay chỉ cố gắng cho doanh nghiệp thay đổi, chính sách của các ngân hàng chưa hướng đến việc chính mình phải thay đổi cho phù hợp. Chúng ta chưa thấy chính sách nào dám đột phá, muốn đột phá cần đột phá vào chỗ tài sản bảo đảm. Lối ra chính là cho vay tín chấp, mặc dù khung pháp lý cho vay tín chấp và tài sản hình thành từ vốn vay là có đủ, nhưng các ngân hàng không dám hành động”, ông Nam chỉ rõ.
Trên thực tế, 80% thu nhập của ngân hàng do nguồn tín dụng hoạt động truyền thống mang lại, nên tín dụng không tới được doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống ngân hàng. Để tháo gỡ rào cản đối với doanh nghiệp tư nhân, các ngân hàng cần chọn lọc những doanh nghiệp có tiềm năng để thiết kế lại điều kiện cho vay, đồng thời cũng phải chấp nhận một phần rủi ro với doanh nghiệp./.
cafe.vn